Bitcoin còn được tính là 1 giao thức, và tích hợp trong nó là công nghệ blockchain. Tất cả giao dịch mua và bán đều được cập nhật trên hệ thống lưu trữ máy tính ngang hàng (P2P), được gọi là blockchain (chuỗi khối) – Có thể nói chuỗi khối này một cuốn sổ cái ghi lại số dư của mỗi tài khoản và lịch sử tất cả tài khoản tham gia giao dịch trước đó.
Blockchain – Chuỗi khối
Mọi dữ liệu trên mạng Internet đều rất dễ dàng bị sao chép, mỗi giao dịch Bitcoin cũng chỉ là một khối thông tin. Bình thường, khi giao dịch trực tuyến, chúng ta sẽ cần đến một bên trung gian thứ ba mà chúng ta tin tưởng (ví dụ: công ty Paypal, công ty Ngân Lượng, Ngân hàng Vietcombank,…) với một cơ sở dữ liệu tập trung để xác minh giao dịch nhằm chống gian lận khi kẻ gian sử dụng lại khối thông tin này nhiều lần. Công nghệ blockchain đã giải quyết được bài toán này (double-spending) mà không cần tới bên trung gian thứ ba tin cậy. Blockchain là một cuốn sổ cái ghi lại tất cả các giao dịch. Dữ liệu trong cuốn sổ cái liên tục được mạng lưới máy tính ngang hàng trên thế giới cập nhật và bảo trì. Giao dịch khi A gửi X bitcoin cho B được ghi lại trên toàn hệ thống, tất cả các máy tính trong mạng này sẽ xác minh và ghi lại giao dịch đó vào cuốn sổ cái rồi cấp phát dữ liệu này tới các máy tính khác. Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân tán vô chủ; các máy tính liên tục thực hiện việc kiểm toán độc lập bằng cách xác minh dữ liệu nhận tới và so sánh với chữ ký của giao dịch đó.
Về công nghệ, các giao dịch được xác minh bởi thuật toán chữ ký số dựa trên đường cong Elliptic (ECDSA) và được xác nhận bởi chuỗi các quá trình xử lý lần lượt các hàm băm SHA256 bởi các thợ đào Bitcoin. Mỗi khối trong blockchain chứa tất cả thông tin giao dịch trong khối đó trong 1 cây Merkle – là một cây nhị phân có thứ tự được xây dựng từ một dãy các đối tượng dữ liệu sử dụng hàm băm – để đạt hiệu quả cao trong việc lưu trữ và xác minh với lượng dữ liệu lớn các giao dịch. Khi có một giao dịch không hợp lệ, hệ thống sẽ loại bỏ nó bằng cách chọn theo số đông. Cách giải quyết về sự đồng thuận này của công nghệ blockchain là lời giải cho bài toán các vị tướng Byzantine trong ngành khoa học máy tính. Càng có nhiều máy tính tham gia vào hệ thống ngang hàng cho blockchain thì sức mạnh xử lý và độ an toàn của hệ thống blockchain đó càng cao.
Công nghệ blockchain có rất nhiều ứng dụng khác mà tiền tệ Bitcoin chỉ là một trong số đó, ví dụ: Ứng dụng cho việc đăng ký sử dụng đất đai, các loại công chứng, hợp đồng thông minh (tự động cho phép hoặc hủy giao dịch với một số điều kiện được lập trình sẵn), đăng ký tên miền, quy trình bỏ phiếu,… khi các thuật toán trở nên đáng tin cậy hơn các bên trung gian thứ ba (mà có thể không đáng tin cậy vì tệ nạn tham nhũng). Công nghệ blockchain cho phép những người lạ có thể giao dịch an toàn với nhau mà không cần tin tưởng nhau.
Do vậy theo cá nhân tôi thì chúng ta không công nhận bitcoin là tiền nhưng chúng ta nên học hỏi công nghệ ẩn dấu trong nó để có nhiều ứng dụng vào các ngành, lĩnh vực khác.
Mình lập blog này với mục đích lưu lại + chia sẻ các các kiến thức mình đã biết hoặc đang tìm hiểu. Cơ bản giúp ích cho mình 🙂 Nhưng hy vọng sẽ mang lại sự khởi đầu thuận lợi cho người mới bắt đầu!