Tháng 3 đã sắp về, hoa gạo cũng sắp rụng làm tôi lại nhớ tuổi thơ bên những cây gạo cổ thụ, lũ trẻ ngày ra chơi ném hoa gạo để ăn…, để chơi.
Và chắc hẳn chúng ta cũng không thể quên được câu ca dao thời cấp 2 yêu dấu:
Bao giờ cho đến tháng ba
Hoa gạo rụng xuống bà già đắp chăn
Hôm nay tình cờ mở zalo có chị bạn đang một status với câu ca dao trên nhưng nó đã biến thể:
Bao giờ cho đến tháng ba
Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn
Và chị ấy đã thay từ đắp chăn thành cất chăn làm mình phải google một lúc, nhưng kết quả nào cũng nói là cất chăn.
Đã thế lại có rất nhiều bài báo lên án, xỉa xói chương trình nhanh như chớp sai câu ca dao trên. Chương trình chọn đáp án đúng là “đắp chăn” và dĩ nhiên người chơi bị mất tiền. Tác giả chỉ trích rằng chương trình làm ăn vớ vẩn đáp án phải là “cất chăn“, và cho rằng không chuyên nghiệp… bla bla., và không những thế rất nhiều bài báo ăn theo nữa. Không biết những tác giả này có từng đi học không nữa? hay hứng lên là viết.
Cá nhân mình cho rằng chương trình đã đúng vì ngày xưa mình không những đọc mà còn phân tích nội dung 2 câu ca dao này tốn hàng trang giấy, nên nó cũng là ký ức văn học đáng nhớ của mình.
Nghe câu ca dao làm cho ta lại nhớ những tháng 3 đầy ắp kỷ niệm, rực đỏ của hoa gạo. Và hơn nữa tháng 3 bà già đắp chăn, chứ không cất chăn như mọi người vẫn nghĩ. Đúng vậy có lẽ tháng 3 là chuẩn bị hết tiết trời se lạnh chuẩn bị cho một mùa hè nóng ẩm ở các miền quê. Nhưng nếu là cất chăn thì cũng chẳng có gì đáng nói nên thơ ca làm gì cho lãng phí, ai mà chả cất, từ con trẻ cho tới thanh niên chứ riêng gì bà già? Nhưng ở đây câu ca dao có hàm ý sâu xa nó thể hiện việc nắm bắt quy luật thời tiết của cha ông ta đã vô cùng chính xác.
Vậy ở đây là gì? Sao câu ca dao không nói:
Bao giờ cho đến tháng 3
Hoa gạo rụng xuống nhà nhà cất chăn.
Thực tế câu ca dao vẫn là “đắp chăn” bởi vì các cụ ta thường có câu: Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng 3 rét nàng Bân.
Đó rét nàng Bân mới là mấu chốt của vấn đề, đúng theo quy luật thì đó là đợt rét của cùng và nó nằm trong tháng 3, đợt rét có thể kéo dài vài tuần. Rét nàng bân cũng có thể gọi là khúc giao mùa cho mùa xuân hạ.
Như vậy với đợt rét nàng Bân này thì tất nhiên bà già không thể cất chăn rồi, và ngày nay giới trẻ cũng chưa dám cất chăn nữa là bà già 🙂 .
Nói đến đây chắc những ai ngày xưa có yêu mến nền văn học Việt Nam cũng sẽ hiểu và đồng cảm phải không?
Mình lập blog này với mục đích lưu lại + chia sẻ các các kiến thức mình đã biết hoặc đang tìm hiểu. Cơ bản giúp ích cho mình 🙂 Nhưng hy vọng sẽ mang lại sự khởi đầu thuận lợi cho người mới bắt đầu!